06/08/2021 04:56

Biến chứng tăng huyết áp do tự ý bỏ thuốc

Bệnh nhân 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng da xanh tái lạnh, không bắt được mạch, huyết áp không đo được, ngừng tim, ngừng thở.

Các bác sĩ khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, ngày 5/8, cấp cứu ngừng tuần hoàn suốt 30 phút không cứu được bệnh nhân.

Người nhà cho biết bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp ba năm nay, không dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chỉ uống thuốc khi cảm thấy đau đầu, hoa mắt. Trước lúc vào viện khoảng hai tiếng, người bệnh cảm thấy mệt nhiều, đã tự gắng sức đi bộ từ tầng hai xuống tầng một để báo với gia đình.

Theo bác sĩ, bệnh nhân này không tuân thủ phác đồ điều trị vì chủ quan thấy không có biểu hiện gì bất thường, chỉ dùng thuốc khi thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi người bệnh có thể thấy đau đầu, đau ngực, khó thở khi có cơn tăng huyết áp. Nặng hơn là nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột quỵ não)..., lúc này tiên lượng thường xấu.

Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, không lây, cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn và phải được theo dõi, điều trị tái khám định kỳ tránh bệnh diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí gây tàn phế hoặc tử vong.

Tuy nhiên, việc điều trị thường phải phối hợp nhiều thuốc, dẫn đến việc bệnh nhân quên uống thuốc, hoặc có thuốc nhưng không uống, hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, dẫn đến hiệu quả không cao. Do đó, bệnh nhân cần phải thật sự nghiêm túc trong việc chữa trị, phối hợp tốt với bác sĩ để giảm biến chứng nặng nề.

Bác sĩ khuyến cáo thêm người dân dù khỏe mạnh cũng nên khám sức khỏe định kỳ, nhất là những gia đình có tiền sử bệnh. Với bệnh mạn tính như tăng huyết áp cần thường xuyên đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà và tuân thủ đúng phác đồ điều trị.