Chủ tịch Hà Nội: Người vi phạm giao thông phải 'e ngại' khi bị phản ánh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, việc người dân thông tin, ghi hình phản ánh vi phạm góp phần tạo thành thói quen chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Sáng 11/8, Công an TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến với 30 quận, huyện triển khai kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn".
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội phát động phong trào
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP cho biết, thực tế công tác tuyên truyền mới chỉ dừng lại ở việc vận động nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Từ đó, Công an TP tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch xây dựng và phát động phong trào nhằm vận động, khuyến khích, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phương pháp nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông “nóng”, “nổi cộm” hiện nay.
Theo Công an TP Hà Nội, khi người dân phát hiện các hành vi vi phạm có thể ghi nhận bằng hình ảnh, clip bằng các thiết bị sẵn có như điện thoại di động, máy ảnh, máy quay... phản ánh trực tiếp qua số điện thoại đường dây nóng của Công an TP 024.3942.4451 hoặc tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”.
Đối với thông tin phản ánh, người dân cần cung cấp thông tin cá nhân: tên, tuổi, số CCCD, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để xác định tính chính danh và thông tin, phản hồi kết quả xử lý.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của lực lượng CSGT Thủ đô nói riêng và Công an TP nói chung trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ông Trần Sỹ Thanh đánh giá, khi một cá nhân có ý định vi phạm giao thông, ngoài việc phải “dè chừng” sự phát hiện của lực lượng chức năng, hệ thống camera giám sát, còn phải “e ngại” sự ghi hình, phản ánh của những người tham gia giao thông khác, từ đó tạo thành thói quen chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông an toàn ở Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, an toàn giao thông luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia và ở nước ta, đây là vấn đề rất nhức nhối bởi những hậu quả to lớn do tai nạn giao thông gây ra đối với kinh tế, xã hội.
"Nhìn nhận rõ rằng, thực tế vẫn còn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân và nỗi đau để lại không thể đong đếm được", Thứ trưởng đánh giá.
Thứ trưởng đề nghị Công an TP sau 6 tháng triển khai phải sơ kết, đánh giá lại hiệu quả thực hiện phong trào. Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình, cách làm hay của Hà Nội đối với toàn quốc, để hạn chế dần các vi phạm giao thông, đặc biệt là các vi phạm là nguyên nhân gây những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Lực lượng Công an TP ra quân tuyên truyền
Ngay sau buổi phát động, Công an TP đã tổ chức diễu hành, tuyên truyền trên đường phố của 30 quận, huyện, thị xã.
Bình luận