Loại nho đắt nhất Việt Nam, giá tận 600.000 đồng/kg, không đủ hàng bán
Ông Huỳnh Công Thống (60 tuổi, giáo viên tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ) cho biết, ngay từ khi còn nhỏ đã có niềm đam mê, yêu thích với cây cảnh.
Trong suốt hành trình cuộc đời mình, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm nhiều giống cây mới lạ đem về trồng trong vườn, tích lũy qua năm tháng nay đã trở thành cả một khu vườn độc đáo ở miền Tây.
Bởi thế mỗi lần có khách đến nhà, ông lại phấn khích và niềm nở dẫn bạn bè, du khách đến tham quan khu vườn có một không hai của mình.
Hiện, vườn ông Thống có rất nhiều gốc nho “độc lạ”. Trong số đó, có hơn 600 cây đã cho trái và ông từng bán ra thị trường 600.000 đồng/kg nhưng vẫn bị "cháy hàng".
Nho "độc lạ" 600.000 đồng/kg.
Theo quan sát, cây nho thân gỗ của ông Thống có thân giống cây ổi, hoa có màu trắng, mọc cả trên thân cây và cây càng lâu năm thì trái càng sai. Trái nho có hình dáng giống trái sung, có mùi vị đặc trưng, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt trong một trái.
Nói về cơ duyên trồng giống nho độc lạ, ông Thống cho biết, vào năm 2012, trong một lần tình cờ, thầy được người thân ở Mexico biếu một loại nho thân gỗ, ăn thì vị chua giống trái dâu, nhưng bề ngoài lại giống trái sung, ngon và lạ.
Theo đó, trái nho còn sống có màu xanh, khi chín sẽ có màu nâu đậm, da nhăn lại, đồng thời nước có vị ngọt, thịt có vị chua và chát của phần vỏ. Ngoài ra, cây Cherry Surinam (nguồn gốc Brazil) cũng được ông quan tâm và trồng thử nghiệm tại vườn.
Nói về cách chăm sóc cũng như duy trì năng suất, chất lượng của quả nho, ông Thống cho rằng đây là loại cây “ưa” phân hữu cơ.
Thực tế kinh nghiệm sau nhiều năm phát triển giống nho này, ông Thống phân tích, thời điểm trước khi bắt đầu trồng nho thân gỗ, ông chủ yếu sử dụng phân bón hóa học. Thế nhưng năng suất và chất lượng quả nho sau mỗi vụ lại dần thấp đi.
Ông Thống bên gốc nho của mình
“Nho nếu sử dụng phân hóa học chất lượng trái không cao, thịt mềm, lạt. Ngược lại, nếu cây được chăm sóc bằng nguồn phân bón hữu cơ, thịt nho cứng hơn. Hơn nữa, phân hữu cơ giúp cho cây nho có độ bền, cho năng suất và chất lượng quả nho cao hơn trong mùa sau. Tôi mang sản phẩm nước ép từ quả nho đi kiểm nghiệm thì hàm lượng dinh dưỡng lại cao hơn so với sử dụng phân hóa học”, ông Thống chia sẻ.
Kết quả cho ra hơn mong đợi, cây được thuần hóa tốt, quả cho ra đều, trái có vị ngọt. Bên cạnh đó, còn có các loại cây độc đáo khác xuất hiện trong khu vườn như: cây bánh kem (nguồn gốc Pháp), phong lá đỏ (còn gọi là bụp Châu Phi), gỗ thánh, thủy tùng (nguồn gốc Đắk Lắk), óc chó ( nguồn gốc Bắc Mỹ), cây mắc ca (Macadamia), cây gõ đỏ…
Ông Thống dành nhiều tâm huyết cho vườn cây của mình
Hiện nay, giống nho thân gỗ rất được sự quan tâm từ các nhà vườn tỉnh lân cận, thậm chí ở miền trung cũng tìm đến đặt mua và học hỏi kiến thức. Với nhiệt huyết và tấm lòng của một nhà giáo luôn muốn đem tri thức trao tặng đến mọi người, thầy Huỳnh Công Thống luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết của mình mỗi khi có ai đến học hỏi.
Trúc Chi (T/h theo Dân Trí, Báo Pháp Luật)